Văn hóa truyền thống của Chơn Thành là tổng hợp văn hóa của các cộng đồng cư dân vốn sinh sống ở vùng đất này và văn hóa của các cộng đồng cư dân ở các vùng miền di cư đến.
Hàng năm, huyện Chơn Thành có nhiều lễ hội truyền thống được tổ chức. Người Kinh có lễ hội cúng đình ở đình Thần Hưng Long với hai lễ chính là lễ Kỳ Yên và lễ hội Cầu Bông. Người Khmer có các lễ hội liên quan đến tôn giáo (Phật giáo) như lễ Phật Đản sanh, lễ Sen, Dolta, lễ dâng y Katrina… Người Xtiêng có lễ hội mừng lúa mới, lễ Phá bàu ở xã Quang Minh. Các cộng đồng cư dân khác mặc dù có số dân ít nhưng theo phong tục tập quán, họ vẫn duy trì những lễ hội, nghi lễ riêng của cộng đồng mình có từ nơi quê hương bản xứ.
Lễ hội phá bàu ở xã Quang Minh, huyện Chơn Thành
Quá trình hội nhập và phát triển đã phần nào làm cho bản sắc văn hóa của các cộng đồng dân tộc thiểu số bị mai một. Vì vậy, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để bảo tồn, phát triển văn hóa Việt Nam. Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các cấp chính quyền của huyện Chơn Thành đã có những chương trình cụ thể nhằm bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của các dân tộc trong huyện, góp phần gìn giữ, phát huy nền văn hóa Việt Nam.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng phát triển rộng, mang lại những giá trị về chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội. Tính đến cuối năm 2019, toàn huyện có 69/70 khu phố, ấp có nhà văn hóa xây dựng kiên cố; 30/70 khu dân cư có đội văn nghệ, đội bóng chuyền thường xuyên hoạt động; 70 khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa, tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa hằng năm đạt 97,3%.
Huyện Chơn Thành phối hợp với Bảo tàng tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn di sản văn hóa. Đặc biệt, xã Quang Minh đã tiến hành phục dựng và duy trì hàng năm lễ hội Phá bàu của người Xtiêng. Lễ hội Phá bàu là lễ hội lớn, độc đáo của người Xtiêng. Việc phục hồi và duy trì lễ hội này hằng năm là việc làm có ý nghĩa trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng cư dân này trong việc bảo tồn di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
Hiện nay, huyện Chơn Thành có 5 nhà văn hóa cộng đồng, đáp ứng nhu cầu tổ chức các hoạt động về văn hóa – văn nghệ cho các cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, nhiều hình thức hoạt động, văn hóa, văn nghệ trong quần chúng được tổ chức thường xuyên và đẩy mạnh. Các phương tiện nghe nhìn được trang bị cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần cải thiện đời sống tinh thần cho nhân dân.
Nguồn: Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước.